Hiện nay, cây lưỡi hổ được khá nhiều người ưa chuộng bởi lợi ích giúp thanh lọc không khí, xua đuổi côn trùng và là loại cây có ý nghĩa tốt trong phong thủy giúp cải thiện vượng khí và đem lại tài lộc cho gia chủ.

Cây lưỡi hổ hay còn gọi là cây lưỡi cọp hay vĩ hổ có nguồn gốc từ Tây Phi, tên khoa học là Sansevieria trifasciata, thuộc họ Măng Tây, chiều cao khoảng 50 – 60cm. Lưỡi hổ được dùng chủ yếu làm cây cảnh trang trí trong nhà, cây phong thủy giúp cải vận cho gia chủ. 

Đặc điểm cây lưỡi hổ:

Cây mọc thẳng đứng thành bụi, có thể cao từ 20cm đến 1,6m tùy từng loại. Lá lưỡi hổ cứng, nhọn ở đầu, thân lá mọng nước, bề mặt bóng, chủ yếu là màu xanh có pha một vài đốm trắng, 2 bên lá có viền màu vàng chạy dọc từ gốc tới ngọn. Lưỡi hổ có hoa nhưng khá hiếm, hoa gồm 6 cánh mềm, thuôn dài, màu trắng nhạt.

Trên thế giới có khoảng 70 loại lưỡi hổ được phân biệt theo hình dáng, màu sắc của lá. Một số loại được trồng phổ biến ở Việt Nam như: lưỡi hổ xanh, lưỡi hổ thái, lưỡi hổ vàng, lưỡi hổ vàng lửa, lưỡi hổ trắng, lưỡi hổ vằn,..

Công dụng của cây lưỡi hổ:

Với hình dáng tương đối đơn giản nhưng lưỡi hổ lại là một chuyên gia thanh lọc không khí với khả năng xử lý các chất độc gây hại cho cơ thể con người như formaldehyde (một chất gây ung thư trong các sản phẩm vệ sinh, giấy toilet, khăn giấy hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân), xylene, toluene và nitrogen oxit. 

Điểm khác biệt với đa số loài cây khác là lưỡi hổ cung cấp Oxy khi đêm về. Trồng lưỡi hổ thì bạn hoàn toàn yên tâm đặt cây này trong phòng ngủ cả đêm! 

Khi trồng cây trong nhà, đa phần với các loài cây chúng ta đều phải chú ý khi đặt trong phòng ngủ vì cây quang hợp thải Oxy vào ban ngày nhưng lại hấp thụ Oxy và nhả CO2 vào ban đêm nên việc đặt trong phòng thì cực kỳ nguy hại, nhất là trong những phòng ngủ không có sự lưu thông không khí. Nhưng với lưỡi hổ thì quá trình này có chút khác biệt, đêm về lưỡi hổ vẫn tiếp tục hấp thụ CO2 và nhả Oxy ra ngoài.  Thường nếu phòng ít lưu thông không khí thì bạn nên đặt chậu lưỡi hổ khoảng 6-8 lá.

Ý nghĩa phong thủy của cây lưỡi hổ

Trong phong thủy, cây lưỡi hổ có dáng sắc nhọn như lưỡi kiếm, mọc thân mọc thắng đứng thể hiện sự quyết đoán, khí phách quân tử, kiên cường, có chí hướng vươn lên trong cuộc sống. Cây nổi bật nhất với tác dụng trừ tà, giải bùa chú, xua đuổi ma quỷ và ngăn chặn những điều xui xẻo. 

Dáng vẻ uy nghi từ thân đến ngọn của cây lưỡi cọp là biểu tượng của sự uy quyền, danh gia vọng tộc, phú quí và may mắn mang lại cho chủ nhân.

Cây lưỡi hổ không nở hoa thường xuyên nên theo quan niệm người xưa khi chăm sóc được cây lưỡi hổ trổ hoa thì người đó sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi.

Cây lưỡi hổ hợp mệnh gì?

Cây có 2 dải màu xanh lá và vàng dọc từ gốc đến ngọn: xanh là màu của mệnh Mộc, vàng là màu mệnh Kim, do đó, lưỡi hổ là cây hợp mệnh Kim và mệnh Mộc theo thuyết tương sinh cây cũng sẽ hợp với mệnh Thủy, mệnh Hỏa.

Vị trí phù hợp để đặt cây lưỡi hổ là vị trí hành Mộc của cây, hướng Đông Nam, hướng Nam và các góc phía Đông là những điểm phong thủy tốt nhất để đặt cây.